Cơ hội nào cho Huế để trở thành một trong những Thành phố Sáng tạo UNESCO
- Linh Trần
- Nov 21, 2024
- 6 min read
Updated: Nov 22, 2024

Image source: Dubai PR Hub
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network (UNESCO CCN)) ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới. Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: Thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Thành phố sáng tạo không chỉ là một thương hiệu mà khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, các thành phố đã khẳng định đặt văn hóa và sáng tạo là trung tâm của sự phát triển và chìa khóa của quy hoạch phát triển đô thị. Hiện nay, mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có 246 thành phố, trong đó khu vực Đông Nam Á có khoảng 10 thành phố.

Image source: UNESCO
Hà Nội là thành viên của mạng lưới vào tháng 10/2019, là thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế và đang là thành phố duy nhất của Việt Nam tham gia mạng lưới này. Từ khi gia nhập mạng lưới, Hà Nội đã tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và tăng mức đầu tư cho văn hóa, nâng tầm cho các lĩnh vực sáng tạo thiết kế, tạo xung lực và hình ảnh mới cho Thủ đô. Thành phố triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sáng tạo cũng như biểu đạt đa dạng của văn hóa trong phát triển bền vững của địa phương. Với lợi thế tập trung rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, di sản thiên nhiên, Hà Nội tiếp tục khai thác, phát huy các tài nguyên nhằm tạo nên các không gian văn hóa và cộng đồng sáng tạo, mở rộng cơ hội cho người sáng tạo, góp phần quảng bá giá trị văn hóa Thủ đô và phát triển Thủ đô thành trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Một ví dụ khác ở một thành phố trong khu vực Đông Nam Á đó là Chiang Mai, Chiang Mai trở thành thành viên của UNESCO CCN vào năm 2017 trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Người ta biết tới Chiang Mai bởi cái nôi của nghề thủ công truyền thống Thái Lan, sự tinh tế trong sáng tạo sản phẩm thủ công truyền thống như một đặc điểm thể hiện phong cách sống của cả thành phố.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian chất lượng tốt luôn là phương tiện sống, là nguồn thu nhập chính của phần lớn các hộ gia đình hay doanh nghiệp ở đây. Sự sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày luôn được tôn vinh từ hàng trăm năm, những kỹ thuật hay kiến thức về thiết kế vẫn được tiếp tục giảng dạy, chia sẻ và kế thừa. Những tác phẩm nghệ thuật và thủ công địa phương là nguồn cảm hứng với các nước láng giềng (trong đó có cả Việt Nam) xung quanh.
Đó là câu chuyện phát triển của Chiang Mai – một thành phố nhỏ của Thái Lan, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên định hướng xây dựng thành phố sáng tạo từ các đô thị tầm trung hoặc nhỏ, việc lựa chọn lĩnh vực nổi trội nào để phát triển ở các thành phố lớn thường rất phức tạp bởi mọi ngành nghề đều phát triển, có thể tạo nên mâu thuẫn, xung đột giữa các lĩnh vực. Chính vì vậy, việc lựa chọn những thành phố nhỏ để xây dựng thành phố sáng tạo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi hơn. Cần nhìn nhận những lợi thế và hướng sáng tạo cho thành phố bởi nó liên quan đến sự phát triển trong tương lai. Bên cạnh yếu tố giao thông thuận lợi và những hỗ trợ phát triển sáng tạo thì các cơ quan quản lý cần có chiến lược và sự hậu thuẫn để tạo cảm hứng cho nghệ sĩ.

Image source: Creative Victoria
Nhìn từ những lợi thế và tiềm năng của các thành phố tầm trung và nhỏ hơn như Huế, Hội An và nhiều đô thị khác, các giá trị hiện tại như thủ công mỹ thuật, âm nhạc, văn học… đều là những gợi mở thú vị để phát triển các thành phố sáng tạo ở Việt Nam. Sự lựa chọn tham gia hạng mục nào phụ thuộc vào thực trạng và tiềm năng sẵn có của thành phố, nhưng rất cần có những chính sách cụ thể để phát triển, giúp các thành phố có khả năng hội nhập, phát triển bền vững. Việc lựa chọn một lĩnh vực nổi trội, cộng hưởng, liên kết, tích hợp các lĩnh vực khác như sân khấu, nghệ thuật biểu diễn dân gian, điện ảnh, âm nhạc sẽ góp phần tôn vinh tính sáng tạo của một cộng đồng phát triển trong một đô thị hay thành phố. Sự chủ động, quyết tâm của địa phương sẽ góp phần định vị vị trí của văn hóa và sáng tạo trong kế hoạch phát triển bền vững của thành phố, đưa sự sáng tạo là động lực cho sự phát triển bền vững của đô thị.
Giá trị cốt lõi của thành phố sáng tạo vừa là trụ cột của công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo, vừa quy tụ và thu hút tầng lớp sáng tạo cũng như sự tham gia của cộng đồng, tạo nên các sản phẩm văn hóa cho địa phương.
Hai yêu cầu lớn được UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên đó là các sản phẩm sáng tạo “không được lấy du lịch làm nguyên cớ”, sản phẩm sáng tạo “phải sống được, tạo sinh kế thực cho người sáng tạo và cộng đồng ở đó”. Du lịch không được tham gia hỗ trợ và tạo ra những sản phẩm phụ thuộc.
Trường hợp với Huế, các sản phẩm sáng tạo của Huế (thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian) phải chứng minh được rằng nó sẽ tự sống được, tự duy trì và phát triển được chứ không dựa dẫm vào nguồn khách du lịch đến từ sự hấp dẫn của di sản.Một doanh nghiệp đủ năng lực sáng tạo và năng lực tài chính đóng vai trò to lớn trong việc phát triển nghề thủ công truyền thống tại mỗi địa phương. Họ sẽ là một trong những nhân tố thúc đẩy chiến lược phát triển của mỗi thành phố, bên cạnh nhân tố chính là người dân địa phương. Lấy ví dụ Lanificio Fratelli Cerruti – một công ty dệt may tại thành phố Biella (Ý). Biella có truyền thống về nghề dệt, nổi tiếng bởi sự khéo léo trong sản xuất và chế tạo thủ công, được mệnh danh là “thủ đô len” của nước Ý. Biella đã trở thành thành viên của UNESCO CCN ngày 31 tháng 10 năm 2019. Bên cạnh sự cam kết của tất cả người dân vùng Biellese trong việc bảo tồn di sản, sự đóng góp và tài trợ của những doanh nghiệp như Lanificio Fratelli Cerruti là không hề nhỏ trong việc góp phần đưa Biella trở thành một trong những Thành phố Sáng tạo UNESCO. Kết quả này đến từ sự nỗ lực của nhiều phía, từ các nhà tài trợ, các nhà hoạt động chính trị cũng như đơn vị hỗ trợ tài chính, và trên hết là sự đóng góp của tất cả người dân địa phương.
Chúng tôi và bạn đều mong rằng, trên khắp Việt Nam chúng ta đều có người dân và các tổ chức chung tay không chỉ bảo tồn mà còn phát triển được các nghề thủ công, đưa các sản phẩm thủ công truyền thống trở thành mũi nhọn kinh tế từ hộ gia đình cho đến doanh nghiệp lớn. Mỗi địa phương là một “thành phố sáng tạo”!
---
Comments